Sáng tác và biểu diễn Người về đem tới ngày vui

Trọng Bằng hoàn thành bản giao hưởng "Người về đem tới ngày vui" vào năm 1990, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh,[1] cũng là để chuẩn bị lễ kỉ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.[2] Sáng tác này của Trọng Bằng được viết dựa trên câu hát "Người về đem tới ngày vui" trong ca khúc nổi tiếng "ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh" của nhạc sĩ Văn Cao.[3]

Tác phẩm được biểu diễn lần đầu tại Hội trường Ba Đình đêm ngày 19 tháng 5 năm 1990, sau đó tiếp tục được trình diễn tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 15 năm thành lập.[1] Bản giao hưởng liên tục được trình diễn trình diễn ở Hà Nội do các dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Hà Nội, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, và còn được chuyển soạn cho các dàn nhạc hòa tấu accordeon và đàn điện tử.[3] Ngày 19 tháng 5 năm 2000, bản giao hưởng thơ tiếp tục được dàn nhạc của dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn ngay tại làng Sen, quê hương của Hồ Chí Minh.[3]

Trong những năm sau, "Người về đem tới ngày vui" được nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy trong phần mở đầu Chương trình hòa nhạc đặt vé trước mang tên "Việt Nam – Hồ Chí Minh". Ngày 2 tháng 5 năm 2006, Dàn nhạc thành phố Ashiya của Nhật Bản đã biểu diễn tác phẩm này tại Hà Nội, không lâu sau đó vào ngày 9 tháng 7, "Người về đem tới ngày vui" là tác phẩm mở đầu cho chương trình Hòa nhạc hữu nghị giữa hai dàn nhạc thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.[3]

Năm 2008, bản giao hưởng xuất hiện trong buổi hòa nhạc gây quỹ học bổng do Hãng hàng không Việt Nam tổ chức do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức.[4] Ngày 24 tháng 7 năm 2012, "Người về đem tới ngày vui" được 75 nhạc công Việt Nam biểu diễn trong chương trình Hòa nhạc Toyota 2012 Việt Nam – Lào – Campuchia trong đêm diễn đầu tiên tại thủ đô Viêng Chăn của Lào.[5] Nhạc trưởng Fukumura Yoshikazu đã chỉ huy tác phẩm vào hai ngày 10 và 11 tháng 11 năm 2004. Nhạc trưởng Colin Metters (en) ngoài những đêm biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội còn mang bản nhạc sang Trung Quốc biểu diễn cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.[3] Tháng 12 năm 2001, khi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Graham Sutcliffe tại Băng Cốc, các nhạc công dàn nhạc Thái Lan đã "ùa lên sân khấu chúc mừng", đồng thời đòi xin tổng phổ và các phân phổ và lấy ngay tại chỗ.[3] Nhờ có nội dung mang tính ca ngợi tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà bản giao hưởng này tiếp tục được biểu diễn ở chương trình "Điều còn mãi" thường niên nhân dịp Quốc khánh Việt Nam trong một số năm như 2015 và 2022.[6][7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người về đem tới ngày vui //www.worldcat.org/oclc/1223293284 //www.worldcat.org/oclc/682149444 //www.worldcat.org/oclc/701746655 http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx... https://vnexpress.net/nguoi-ve-dem-toi-niem-vui-du... https://web.archive.org/web/20221217055900/https:/... https://web.archive.org/web/20221217121323/https:/... https://web.archive.org/web/20221217121844/http://... https://web.archive.org/web/20221217122516/https:/... https://web.archive.org/web/20221217124011/https:/...